Học tập có cần NGHIÊM TÚC?

Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả, nó có thể chỉ đúng với một số người và sai với số khác.

Để bắt đầu bài viết này, tôi cần phải thừa nhận, tôi là một người KHÔNG NGHIÊM TÚC.

Suốt nhiều năm trời, chưa bao giờ muốn bố mẹ hay thầy cô phiền lòng nên tôi luôn cố gắng trở thành một đứa trẻ ngoan ngoãn. Ngồi trong giờ học lúc nào cũng chăm chú nghe giảng từng câu từng chữ, tôi phát hiện ra là mình không thể nào vừa nghe, vừa ghi chép mà vừa hiểu bài kịp với tốc độ nói của cô giáo. Lúc này, tôi phải lựa chọn: hoặc là ghi chép đầy đủ để về nhà đọc lại, hoặc là ngồi nghe và suy nghĩ chứ không ghi bài. Tất nhiên, để có thể hiểu rõ bài học, tôi chọn không ghi bài.

Rõ ràng là với việc không phải tập trung viết thật nhanh theo những gì cô giáo đọc, tôi có thể cho phép trí tưởng tượng và tư duy của mình đi sâu và xa hơn những gì được dạy. Tuy nhiên, thật khó để chấp nhận một học sinh đi học mà không ghi chép gì. Cố giải thích như thế nào đi chăng nữa, tôi vẫn bị cô giáo nhận xét rằng: KHÔNG NGHIÊM TÚC.

Để chiều lòng cô giáo, bố mẹ và đảm bảo là mình ghi nhớ được đầy đủ những bài học, giải pháp tiếp theo của tôi là mang theo một quyển sổ ghi chép, dành cho tất cả các môn. Trong quyển vở này, thay vì ghi chép theo đúng yêu cầu chuẩn mực, tôi lại chỉ ghi và vẽ những gì quan trọng. Tất nhiên, một lần nữa, cô giáo lại cho rằng tôi KHÔNG NGHIÊM TÚC.

sketch-note

Bước vào cấp 2, tôi phát hiện ra những kiến thức trong sách giáo khoa sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu không đem ra áp dụng. Thay vì ngồi học thuộc lòng một cách NGHIÊM TÚC để lên lớp trả bài kiểm tra miệng, tôi thích thú khi biến kiến thức thành trò chơi. Bằng nhiều cách, tôi tạo ra rất nhiều ứng dụng, thử nghiệm từ Vật Lý (làm súng đại bác bằng ống nước), Sinh Học (bắt sâu thả ổ kiến lửa), … và cực kỳ thích thú với chúng. Một trong các thí nghiệm hồi lớp 5 của tôi là tháo tung cái TV 14 inch ra từng bộ phận, từng sợi cáp điện, rồi lắp vào một cách gọn gàng.

Hẳn bố mẹ tôi sẽ không thể nào dễ chịu với cậu con trai, thay vì học thuộc lòng môn lịch sử lại lấy nhân vật lịch sử ra để vẽ truyện tranh rồi ôm bụng cười sằng sặc. Bạn cùng lớp thì lại ấn tượng ở khả năng chế từ bài hát đến bài thơ. Ngay cả bài Bình Ngô Đại Cáo cũng biến thành bài cáo trạng về sự nghịch ngợm của lớp tôi.

Sự KHÔNG NGHIÊM TÚC giúp tôi thoát ra khỏi suy nghĩ lối mòn, tự phản biện với suy nghĩ của mình. Thay vì chỉ học những gì được dạy, sự KHÔNG NGHIÊM TÚC cho phép tôi nghĩ ra một bối cảnh khác của bài học, thậm chí giúp tôi chiêm nghiệm về cuộc sống.

Sau này, khi trở thành một người chia sẻ, tôi phát hiện ra rằng học viên đã phát ngán với những thứ theo mô típ có sẵn. Những gì lặp đi lặp lại sẽ tạo ra sự nhàm chán, qua đó, bộ não bị đánh lừa rằng mình biết thứ này rồi và không chịu thu nhận thêm điều gì nữa. Những buổi chia sẻ của tôi, thứ mà học viên hứng thú nhất là những câu nói đùa được đặt vào hoàn cảnh của bài học một cách HẾT SỨC KHÔNG NGHIÊM TÚC.
thieu nien sieu dang
Trẻ con học bằng cách quan sát thế giới chứ không phải bằng cách đào sâu vào nghiên cứu bản chất như người lớn. Về mặt tâm lý, khi các con còn bé, độ tập trung của con thường thấp hơn người lớn rất nhiều. Thông thường, theo kinh nghiệm của tôi, một bạn nhỏ tầm 10 tuổi chỉ có thể tập trung tối đa khoảng 10 phút cho một việc. Có thể nhiều bố mẹ thấy rằng cứ chốc lát, con lại đứng dậy uống nước, đi vệ sinh, ăn vặt hay làm việc gì đó. Cũng có nhiều thầy cô thấy rằng, cứ giảng liên tục khoảng 10 phút thì học sinh lại có dấu hiệu không ngồi yên và quay sang trò chuyện với bạn. Đây là hiện tượng hoàn toàn tự nhiên và phổ biến. Ngay cả người lớn chúng ta, thời gian tập trung tối đa cũng chỉ khoảng 25-30 phút. (Bởi thế chúng ta mới dùng đồng hồ Pomodoro)
pomodoro
Cá nhân tôi cho rằng, học tập là quá trình phát triển về trí tuệ và thể chất. Quá trình này không liên quan đến cách thức hay phương pháp nào. Mỗi người có một cách thức tiếp nhận khác nhau bởi thế phong cách học tập cũng khác nhau. Chúng ta có thể ngồi, đứng, đi lại, nằm, bò, nhảy trong khi học, miễn là hiệu quả. Việc bắt buộc phải NGHIÊM TÚC đôi khi giết chết CẢM HỨNG, mà nếu như không có cảm hứng thì hẳn là khó mà đạt được hiệu suất cao.

Nói như thế không phải để cổ suý cho việc KHÔNG TẬP TRUNG trong học tập. TẬP TRUNG là yếu tố quan trọng giúp mạch suy nghĩ đi sâu và xa hơn. Cũng đôi khi KHÔNG NGHIÊM TÚC sẽ kéo theo KHÔNG TẬP TRUNG dẫn đến kết quả không tốt. Bởi thế, thông thường, tôi đánh lừa sự TẬP TRUNG của mình sang một việc có giá trị cho dù vẫn KHÔNG NGHIÊM TÚC.
Trên bàn học của tôi luôn có nhiều hơn một môn học. Mỗi khi cảm thấy bế tắc với một bài toán khó, ngay lập tức, tôi chuyển sang môn khác (Tiếng Anh là môn tôi yêu thích). Một lúc sau, khi cảm thấy mất tập trung, tôi lại chuyển sang môn khác.

Tổng kết lại, việc học không quan trọng bằng hình thức hay phương pháp nào, điều quan trọng là CẢM HỨNG sẽ giúp hiệu suất học tập được tăng lên đáng kể. Đừng vì khuôn mẫu của việc NGHIÊM TÚC mà giết chết CẢM HỨNG của mình và của con trẻ.

Bài viết là quan điểm cá nhân, nếu ai đó có luận điểm nào phản biện lại, xin hãy comment để cùng nhau phát triển nhé!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *