Điều binh – khiển tướng

Xưa nay, nói về thuật cầm quân ta thường liên tưởng đến các bậc thầy về nghệ thuật quân sự như Hàn Tín, Quan Vũ, Tào Tháo, Gia Cát Khổng Minh, Tôn Tử, Trần Hưng Đạo, Võ Nguyên Giáp, … Các bậc kỳ tài đó phần lớn đều để lại những bộ binh pháp nổi tiếng cho đời sau. Tuy nhiên, trong một dịp gần đây, tôi được đọc một tài liệu về mối quan hệ Hàn Tín – Lưu Bang thời nhà Hán ở bên tàu, mới phát hiện ra có một thuật còn cao hơn cả thuật cầm quân. Ấy là thuật cầm tướng.

Nôm na là sau khi Hàn Tín lập nhiều đại công giúp Lưu Bang lập nên nhà Hán thì tỏ ra đắc chí, không tôn trọng Lưu Bang. Trong một buổi tiệc, Lưu Bang bèn hỏi:”Cầm 10 vạn quân đánh nhau, ta và ngươi ai thắng?”. Hàn Tín trả lời:”Đương nhiên là tôi thắng!”. “Vậy sao ta làm vua còn ngươi làm tướng?”- Lưu Bang hỏi lại. “Cầm quân ngài không bằng tôi, cầm tướng tôi không bằng ngài” – Hàn Tín đáp. Ngẫm lại thấy quả nhiên đôi khi ta dễ nhầm lẫn giữa việc cầm quân và cầm tướng.

Vậy sao xưa nay chỉ nghe nói đến binh pháp mà chưa bao giờ nghe đến tướng pháp?

Vì một lẽ đơn giản, thường thì trong triều, Vua cầm tướng, Đại Tướng cầm quân. Mấy vị Tướng thì nhiều kinh nghiệm trận mạc, viết lại từng trận, từng bài học để lại cho đời sau là việc dễ dàng. Còn mấy vị Vua tại sao không viết sách để lại? Đến phần sau chúng ta cùng mổ xẻ.

Thuật cầm quân cốt yếu là sỹ khí. Cầm quân cần phải có mục tiêu , kế hoạch, chiến lược, chiến thuật, quân nhu, quân lương, hiểu địch, hiểu ta, hiểu thiên văn, hiểu địa lý, … và ty tỷ thứ khác. Những thứ này dạy được, mà cũng học được nên thường được viết thành sách để lưu truyền. Nhà cầm quân thường xông pha trận mạc, nam chinh – bắc chiến, chẳng mấy khi được chút thảnh thơi. Trông vào các vị liệt kê ở trên là thấy.

Thuật cầm tướng cốt yếu ở dùng người. Dùng người là khiến cho người khác tự hành động để phục vụ mục đích của mình. Khác với cầm quân, cầm tướng trông có vẻ nhàn hạ, thảnh thơi mà lại khiến cho ba quân tướng sỹ lăn xả ngoài chiến trường da ngựa bọc thây. Và những bí mật ấy, nếu bạn là Vua, bạn có định chia sẻ để người đời hiểu được?

Câu trả lời là KHÔNG ĐỜI NÀO!

Tôi tuy kiến thức nông cạn, cũng tập tành học nghề cầm tướng, nay xin đem ra mấy điểm căn bản ở đây. Đó là những nguyên tắc cần phải giữ.

  1. Sứ mệnh. Người làm Tướng thường không mấy khi quan tâm đến vật chất, quyền lực, địa vị. Thứ mà làm cho họ sẵn sàng lăn xả cho Vua chính là sứ mệnh. Khi Lưu Bị chết rồi, Khổng Minh vẫn nung nấu ý định đánh Ngụy để khôi phục nhà Hán. Sứ mệnh này không phải của Khổng Minh mà là của Lưu Bị gửi gắm. Hay khi Tào Hồng nhường ngựa cho Tào Tháo chạy thoát có nói: “Thiên hạ có thể không có Tào Hồng nhưng không thể không có Tào Tháo”. Sứ mệnh là thứ mà vua thu phục tướng tài, cũng là thứ mà các tướng tài hy sinh vì vua. Đem vật chất ra chiêu dụ không khác gì làm nhục họ. Những kẻ để vật chất mua chuộc e rằng khó được gọi là tướng tài, cũng khó dùng lâu dài.

Người ta đi theo bạn vì điều gì?

  1. Nhìn người. Đây là công việc vất vả nhất của một vị vua vừa lập quốc, cũng như của những lãnh đạo vừa startup. Con người ta, ai cũng có chỗ hữu dụng. Điều quan trọng là chúng ta có nhìn ra chỗ hữu dụng của họ hay không. Việc nhìn sai người dẫn đến việc đặt sai chỗ, làm cho tài năng của họ không bộc lộ được, làm họ bị đánh giá sai năng lực, lòng quân không phục, vạn sự khó thành. Đấy là chưa kể nuôi ong tay áo. Đôi khi thấy một vài tài năng thật đấy, nhưng không phù hợp thì cũng nên mạnh tay mà gạt đi.

Tài năng của các vị tướng trong tay bạn là gì?

  1. Dùng người. Nhìn được người rồi thì phải biết dùng sao cho hiệu quả. Đã dùng người thì phải tin tưởng mà trao quyền. Cầm tướng mà còn đa nghi, kiểm soát thì khác gì cầm quân. Trách nhiệm, quyền lực và lợi ích là 3 thứ cần phải cân đong cẩn thận khi trao quyền cho tướng. Trao rồi thì khỏi nghĩ, chỉ kiểm soát rủi ro thôi.

Bạn đã dùng đúng người cho đúng việc chưa?

  1. Bao dung. Bao là bao trùm, dung là dung hòa. Trong tay bạn có cả chục vị tướng, mỗi người có cái tôi khác nhau, tài năng khác nhau, lối tư duy khác nhau, cách thể hiện khác nhau,… Nhiệm vụ quan trọng của người cầm tướng là phải bao trùm để nắm vững và dung hòa để thấu hiểu. Có một nguyên tắc mà tôi luôn nhất quán khi nghe người khác nói, đó là: “Họ luôn đúng!”. Ai cũng đúng theo góc nhìn của mình, vì thế hãy để họ được bảo vệ ý kiến của họ. Đứng ở góc nhìn của họ rồi soi sang góc nhìn của mình sẽ tìm ra được điều phù hợp. Đó là lý do tôi thích những cuộc họp đông người mà mỗi người một ý. Khi đó ta dễ dàng có được cái nhìn đa chiều về vấn đề. Kẻ cầm tướng không chỉ mềm mỏng, linh hoạt như nước mà cần phải có một bản ngã rỗng như khí mới có thể thấu hiểu.

Bạn đã đủ bao dung chưa?

 

(còn nữa)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *